Theo nghiên cứu, hiện nay 90% dân số Việt Nam mắc các bệnh lý răng miệng. Đây là những căn bệnh thường gặp nhưng ít được quan tâm và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng Nha khoa Diva tìm hiểu về những bệnh lý răng miệng thường gặp qua bài viết dưới đây.

1. Sâu răng

Sâu răng là bệnh răng miệng phổ biến nhất hiện nay, là hiện tượng răng bị phá hủy tạo nên các lỗ sâu trên bề mặt răng. Hầu hết mọi người đều có nguy cơ mắc sâu răng, nhưng đối tượng phổ biến và thường gặp nhất vẫn là trẻ em. Răng sữa hay răng đã thay đều có thể bị sâu răng nếu không vệ sinh đúng cách. Bạn có thể nhận biết sâu răng thông qua sự thay đổi màu sắc, lỗ hổng trên răng. Nếu không được điều trị sớm có thể sẽ làm chết tủy răng và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như viêm hạch, viêm quanh cuống răng, xiêm xương,…đặc biệt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình mọc răng sau này của trẻ.

Sâu răng là 1 trong những bệnh lý răng miệng thường gặp ở mọi lứa tuổi
Sâu răng là 1 trong những bệnh lý răng miệng thường gặp ở mọi lứa tuổi

1.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nên sâu răng chủ yếu do vệ sinh răng miệng kém khiến mảng bám thức ăn thừa trên răng không được vệ sinh sạch sẽ, tạo điều kiện cho các vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi nảy nở, hình thành chấm đen li ti và tạo ra lỗ hổng trên bề mặt răng. Việc ăn vặt và ăn nhiều đồ ngọt cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây sâu răng.

1.2. Triệu chứng

Sâu răng gây ê buốt, đau nhức răng, khó khăn khi nhai đồ cứng, uống nước lạnh hoặc nóng; sâu răng nặng gây viêm tủy răng đau dữ dội. Nếu không điều trị, sâu răng sẽ ảnh hưởng đến các răng bên cạnh.

1.3. Cách điều trị

Khi phát hiện sâu răng nên đến nha sĩ để điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng viêm tủy răng. Bác sĩ sẽ điều trị sâu răng bằng cách vệ sinh bằng máy móc chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn và hàn lại lỗ hổng để bịt kín lỗ sâu răng. Từ đó không cho vi khuẩn xâm nhập lại.
Để ngăn ngừa sâu răng, nên đi khám nha khoa thường xuyên; giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng để làm sạch răng miệng; hạn chế ăn đồ ngọt, nước uống có ga vào buổi tối.

2. Viêm tủy răng

2.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân viêm tủy răng là do lớp mô cứng bảo vệ tủy răng bị tổn thương và phá hủy tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng, chủ yếu là do vi khuẩn từ bệnh về sâu răng, chúng thâm nhập vào từ lỗ sâu răng và qua các cuống răng… Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như do hóa chất (nhiễm độc chì, thủy ngân…), do yếu tố vật lý như sang chấn, thay đổi áp suất môi trường, vỡ hay mẻ răng, do chấn thương làm đứt mạch máu nuôi tủy răng, mòn răng quá nhiều, hay viêm tủy do viêm quanh răng…

2.2. Triệu chứng

Viêm tủy răng gây sưng, đau răng, răng nhạy cảm với thức ăn đặc biệt khi ăn đồ nóng lạnh, có thể đau dữ dội hay không đau nhưng âm ỉ và chỉ biểu hiện khi viêm cấp hay thấy sưng tấy vùng chân răng. Nhiều trường hợp có mủ dẫn đến đau giật như mạch đập, như gõ trống trong tai, răng đau có cảm giác lung lay… Bên cạnh đó có thể còn xuất hiện các triệu chứng sốt, sưng hạch bạch huyết, hơi thở có mùi hôi…

2.3. Cách điều trị

Viêm tủy là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng vùng xung quanh và có thể làm mất răng. Vì thế khi bị viêm tủy răng, cần đến nha sĩ để có những phương pháp chữa trị tủy răng càng sớm càng tốt. Điều trị viêm tủy phải làm sạch hết chiều dài ống tủy, hàn kín ống tủy, có thể điều trị xong trong một lần hay nhiều lần.

3. Viêm nướu (lợi)

Nướu (lợi) là hàng rào bảo vệ ngoài cùng của tổ chức quanh răng chống lại vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn và các sang chấn. Viêm nướu (lợi) là giai đoạn tiền nha chu (viêm nha chu), xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa sự chống đỡ của hệ miễn dịch tại chỗ và vi khuẩn nằm trong mảng bám răng và vôi răng. Viêm nướu là bệnh làm tổn thương các mô xung quanh và các mô nâng đỡ răng. Khi nướu bị viêm sẽ gây ra sưng đỏ, rất dễ chảy máu nhất là khi đánh răng.

3.1. Nguyên nhân

Do vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn của các mảm bám răng và cao răng tích tụ lâu ngày. Ngoài ra còn có thể do chế độ ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, bệnh tiểu đường, giảm miễn dịch, phản ứng với thuốc, thay đổi nội tiết tố (phụ nữ mang thai, trẻ em tuổi dậy thì, thuốc tránh thai…), khô miệng, làm răng giả sai quy cách.

3.2. Triệu chứng

Nướu bị viêm gây ra các triệu chứng như kích ứng, sưng nề, mẩn đỏ, chảy máu, hơi thở hôi, co nướu, thay đổi màu sắc… Khi chuyển biến nặng có thể gây ra những tình trạng như viêm quanh răng hoặc mất răng. Ngoài ra nó còn có thể biến chứng nguy hiểm thành các bệnh như tim mạch, đột quỵ và viêm phổi.

3.3. Điều trị

Bệnh viêm nướu điều trị bằng cách vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, làm sạch bề mặt răng để loại bỏ được các mảng bám ở răng, sử dụng nước súc miệng, chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng dưới nướu. Để phòng viêm nướu, bạn nên đi khám nha khoa tổng quát định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện răng sâu và cạo vôi răng hạn chế nguy cơ viêm nướu.. Trong trường hợp bệnh trở nặng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh.

4. Viêm nha chu

Viêm nha chu là giai đoạn tiếp theo của bệnh nướu răng. Đây là bệnh răng miệng rất phổ biến, thường gặp ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi và là nguyên nhân thường gặp gây mất răng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân, giảm sức đề kháng của cơ thể.

4.1. Nguyên nhân

Do vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ ở mảng bám xung quanh cổ răng, hình thành vôi răng gây ra tình trạng viêm lợi. Khi viêm lợi nặng sẽ tiến triển thành viêm nha chu có kèm theo viêm dây chằng quanh răng và tiêu xương. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ dẫn tới hiện tượng mất răng, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thẩm mỹ của người bệnh.

4.2. Triệu chứng

Triệu chứng thường gặp của viêm nha chu là chảy máu lợi (nướu) khi chải răng, lợi sưng đỏ chảy máu chân răng, vôi răng nhiều, hơi thở có mùi hôi, co tụt nướu, răng bị lung lay và có cảm giác không bình thường khi nhai, răng di chuyển dần và thưa ra. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng hơn như đau đầu (đau thái dương), khó khăn khi nhai dẫn đến bệnh đau dạ dày và ảnh hưởng nhiều đến việc tiêu hóa. Ngoài ra viêm nha chu cũng có thể do các yếu tố bên trong gây nên như suy dinh dưỡng hay thiếu vitamin C, sức đề kháng kém hoặc do thay đổi nội tiết trong thời gian dậy thì.

4.3. Điều trị

Nha chu nhẹ có thể điều trị bằng phương pháp cạo vôi răng nếu nặng hơn có thể phải nạo nang, làm sạch vùng viêm và điều trị phục hồi. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể tiến hành sử dụng thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật, nhổ răng để điều trị bệnh nếu trở nặng. Vì vậy, khi có dấu hiệu bệnh nên đi khám, điều trị càng sớm càng tốt.
Vệ sinh răng miệng đúng cách và thực hiện cạo vôi răng định kỳ có thể giúp ngăn ngừa bệnh nha chu. Ngoài ra, không nên hút thuốc lá, cần ăn uống đủ chất, giảm stress và tránh đồ cay nóng.

5. Đau quai hàm

Khớp thái dương hàm là một trong những khớp phức tạp nhất của cơ thể, đảm nhận chức năng vận động giúp hàm dưới chuyển động ra vào. Đau quai hàm (viêm khớp thái dương hàm) là tình trạng khớp giữa hàm trên và hàm dưới không hoạt động đúng chức năng của nó; có tiếng kêu lốp cốp, hay tiếng lục cục, thậm chí còn bị kẹt khi vận động hàm.

5.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân đau quai hàm có thể do chấn thương xương hàm, viêm khớp, trạng thái stress, mỏi hàm do nghiến răng, mất răng lâu ngày hay khớp cắn sai…

5.2. Triệu chứng

Triệu chứng thường thấy là đau hàm, đau nhức trong và xung quanh tai, khó khăn khi ăn nhai, cắn không đều, cứng khớp hàm, có tiếng lục cục khi há ngậm miệng. Ngoài ra người bệnh có thể đau đầu, đau khi ngáp, hàm bị kẹt, bị đơ cứng hoặc đưa ra trước…

5.3. Cách điều trị

Có nhiều cách điều trị đau quai hàm như điều chỉnh khớp cắn cho đúng, nghỉ ngơi, có thể phối hợp liệu pháp tâm lý, hay dùng các thuốc như: thuốc giãn cơ, giảm đau, thuốc kháng viêm hoặc phẫu thuật.

6. Biến chứng do răng khôn

Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 thường xuất hiện khi vào tuổi trưởng thành, nằm ở vị trí trong cùng ở mỗi hàm và không có chức năng ăn nhai. Răng khôn thường hay bị mọc lệch, ngầm, lợi trùm do không đủ chỗ trên cung hàm. Răng khôn gây nhiều biến chứng: viêm quanh thân răng, dắt thức ăn gây sâu răng số 7, tiêu xương, đẩy nhóm răng phía trước xô lệch…

6.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra các biến chứng của răng khôn là do răng bị mọc lệch, chèn và xô đẩy các răng xung quanh gây ra sự mất cân bằng ở khung hàm.

6.2. Triệu chứng

Các triệu chứng thường gặp: đau nhức răng, sưng tấy ở vùng lợi, sưng má, sốt, hàm nặng nề cử động khó khăn, ăn không ngon miệng…

6.3. Điều trị

Khi phát hiện răng khôn cần đến nha khoa để nhổ răng khôn càng sớm càng tốt trước khi gây biến chứng nguy hiểm.

7. Hôi miệng

Hôi miệng là bệnh lý không gây nguy hiểm cho người bệnh nhưng gây ra nhiều phiền toái, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.

7.1. Nguyên nhân

Hôi miệng có nhiều nguyên nhân, chủ yếu do vệ sinh răng miệng kém, thức ăn dư thừa tích tụ bám vào các kẽ chân răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra mùi hôi. Ngoài ra còn do răng khôn mọc lệch, sâu răng, viêm nha chu, viêm họng, viêm dạ dày, viêm thực quản, khô miệng, sức khỏe yếu

7.2. Điều trị

Nên đến nha khoa thăm khám để phát hiện đúng nguyên nhân và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để điều trị dứt điểm. Bên cạnh đó, cần vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, đánh răng ít nhất 2 lần trong ngày, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng; duy trì chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và đủ chất, tránh dùng thực phẩm dễ gây mùi.

Hôi miệng gây ra nhiều phiền toái khiến bạn tự ti khi giao tiếp
Hôi miệng gây ra nhiều phiền toái khiến bạn tự ti khi giao tiếp

8. Loét miệng (nhiệt miệng)

Bệnh loét miệng (nhiệt miệng) là một vết loét nhỏ, xuất hiện ở những mô mềm bên trong má hoặc môi, bên dưới lưỡi hoặc trên phần lợi. Đây là bệnh lý răng miệng thường gặp ở mọi lứa tuổi. Loét miệng gây đau đớn, làm ảnh hưởng đến việc ăn uống và giao tiếp hằng ngày.

8.1. Nguyên nhân

Nguyên nhân loét miệng có thể do bị nóng trong người, ăn đồ nóng quá nhiều, hoặc cơ thể phản ứng với thời tiết nóng nực. Ngoài ra có thể do hệ thống miễn dịch suy yếu, stress, thay đổi nội tiết tố, tổn thương miệng do đánh răng quá mức hay các tai nạn khi chơi thể thao, dinh dưỡng kém, thiếu hụt lượng vitamin B-12, kẽm, axit folic hoặc sắt…

8.2. Triệu chứng

Xuất hiện vết loét trên lưỡi, trên vòm miệng, trong má hoặc trên lợi. Vết loét hình tròn, màu trắng, có viền đỏ. Người bệnh sẽ cảm thấy sưng nóng, đau rát và lở loét, khó chịu khi nhai nuốt, ăn uống. Ngoài ra, còn có thể bị đau bụng, tiêu chảy, tiêu hóa kém…

8.3. Cách điều trị

Thường các vết loét kéo dài 7-10 ngày và tự lành mà không để lại vết sẹo. Nếu nhiệt miệng kéo dài hơn hai tuần thì bạn cần đi khám bác sĩ. Bạn nên súc miệng thường xuyên, có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng trà để giảm đau và giảm viêm.

9. Hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách để ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng

Như đã biết, nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh răng miệng thường gặp là do vệ sinh răng miệng hằng ngày chưa đúng cách. Nha khoa Diva sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số biện pháp bảo vệ răng miệng hiệu quả sau đây:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần trong ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ, chải răng đúng cách theo chiều dọc hoặc xoay tròn, không chải răng quá mạnh… Dùng kem đánh răng phù hợp với tình trạng răng lợi của mình, nên thay bàn chải đánh răng sau 3 – 4 tháng sử dụng.
  • Sử dụng chỉ nha khoa: Chỉ nha khoa có thể dễ dàng lấy đi thức ăn thừa kẹt trong kẽ răng một cách nhẹ nhàng hơn so với tăm xỉa răng, từ đó vệ sinh khoang miệng tốt hơn
  • Sử dụng nước súc miệng: Nên sử dụng nước súc miệng hàng ngày vì nó có tác dụng tái khoáng cho răng, làm giảm lượng acid trong miệng và làm sạch những nơi mà bàn chải không tiếp cận được.
  • Hạn chế hút thuốc lá, rượu, bia, cà phê: Những chất này làm răng xỉn màu gây mất thẩm mỹ, hôi miệng, tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Việc có một chế độ ăn uống lành mạnh không những mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cơ thể mà còn bảo về sức khỏe răng miệng. Tránh ăn nhiều các đồ quá nóng hoặc quá lạnh, những đồ ngọt và cay. Nên bổ sung vitamin C và các dưỡng chất hàng ngày giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn.
  • Khám nha khoa định kỳ: Cần hình thành thói quen khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để lấy vôi răng thường xuyên và kiểm tra, phát hiện sớm các bệnh lý về răng miệng, từ đó có biện pháp điều trị và chăm sóc kịp thời.

Bài viết trên vừa đề cập đến những bệnh lý răng miệng thường gặp gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh và làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt thường ngày và nếu không được can thiệp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng và những bệnh lý nguy hiểm hơn. Hy vọng những kiến thức trên bổ ích cho bạn đọc để hiểu hơn về bệnh răng miệng và có những chăm sóc hợp lý để ngăn ngừa các vấn đề răng miệng có thể xảy ra.

Nha khoa Diva với sứ mệnh kiến tạo nụ cười, cung cấp nhiều dịch vụ thăm khám và điều trị nha khoa đã giúp hàng ngàn khách hàng có một hàm răng khỏe mạnh và nụ cười đẹp. Nếu bạn đang gặp các vấn đề về răng miệng muốn được thăm khám trực tiếp, liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 089 9341 115 – 028 7306 7379 để được hướng dẫn và hỗ trợ nhanh nhất! Chúc các bạn mỗi ngày đều tự tin với hàm răng chắc khỏe!

đăng ký tư vấn và thăm khám

Vui lòng điền đầy đủ các thông tin bên dưới

Hotline : 0899 341 115

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

viVietnamese